Dự án Hồ Suối Cái, xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa được Bộ NN-PTNT phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 450 tỉ đồng. Công trình thủy lợi này mở ra triển vọng mới để phát triển kinh tế bền vững.
![]() |
Đại diện Ban quản lý Các dự án đầu tư xây dựng tỉnh báo cáo với đoàn khảo sát những nội dung liên quan đến dự án Hồ Suối Cái. Ảnh: HOÀI SƠN |
Cần một công trình thủy lợi tương xứng
Xã Hòa Hội có diện tích đất nông nghiệp và đất có khả năng canh tác nông nghiệp khoảng 900ha. Do không chủ động nguồn nước tưới nên sản xuất nông nghiệp rất bấp bênh, mất mùa thường xuyên do khô hạn, năng suất cây trồng thấp, hiệu quả kinh tế không cao dẫn đến đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2005, dự án Hồ Suối Cái đã được UBND tỉnh cho phép lập thủ tục chuẩn bị đầu tư. Đầu năm 2006, Sở NN-PTNN tỉnh thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án và chỉ định nhà thầu tư vấn khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng. Do khó khăn về nguồn vốn nên dự án bị dừng lại, đến giữa năm 2021 mới tiếp tục được thực hiện giai đoạn đề xuất chủ trương đầu tư. Tháng 7/2021, Bộ NN-PTNN phê duyệt chủ trương đầu tư dự án với tổng mức đầu tư 450 tỉ đồng. Nguồn vốn thực hiện dự án từ ngân sách trung ương do Bộ NN-PTNT quản lý.
Theo đại diện Ban quản lý Các dự án đầu tư xây dựng tỉnh, quy mô đầu tư xây dựng hồ chứa nước Suối Cái có dung tích toàn bộ khoảng 8,85 triệu m3, bao gồm các hạng mục đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước và các công trình phụ trợ. Hệ thống dẫn nước tưới bằng đường ống gồm: ống chính dài 6,6km, các ống nhánh cấp 1, cấp 2 dài khoảng 18,6km; đảm bảo cấp nước tưới cho khoảng 850ha đất nông nghiệp (600ha hoa màu, 250ha mía) và tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 10.000 người. Thời gian thực hiện dự án 4 năm kể từ năm khởi công. Đến thời điểm hiện nay, các đơn vị khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Chủ đầu tư đã phối hợp với MTTQ tỉnh, các ngành chức năng liên quan và chính quyền địa phương tổ chức hội nghị đối thoại với người dân ở hai xã Hòa Hội và Hòa Định Tây bị ảnh hưởng trực tiếp từ dự án. Qua đó cung cấp thông tin để người dân biết nhu cầu diện tích đất của dự án, phương án giải phóng mặt bằng, phương án đền bù, quá trình triển khai thi công các hạng mục công trình; trao đổi, tiếp thu ý kiến của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án và người dân được hưởng lợi từ dự án. Đồng thời tiếp nhận, giải đáp ý kiến phản biện của các chuyên gia về những tác động tích cực, tiêu cực của dự án trước và sau khi đưa vào vận hành, sử dụng. Các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường nơi thực hiện dự án nhằm hạn chế thấp nhất những tác động bất lợi về an sinh xã hội có thể xảy ra trong quá trình xây dựng và hoạt động của dự án.
Các chuyên gia khuyến nghị chủ đầu tư và chính quyền địa phương cần có các giải pháp hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng bị thu hồi đất. Sớm hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, trình cấp thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở thực hiện dự án. Trong quá trình triển khai phải thực hiện nghiêm các biện pháp giảm thiểu tác động theo đúng nội dung đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt. Đồng thời xây dựng quy trình vận hành hồ chứa; phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho vùng hạ du trình cấp thẩm quyền phê duyệt sau khi hoàn thành công trình. Tuân thủ nghiêm quy trình vận hành, phương án ứng phó đã đề ra trong quá trình khai thác. Theo dõi, giám sát định kỳ để kịp thời chỉnh sửa quy trình phù hợp tình hình thực tế.
![]() |
Ông Mai Văn Hòa, một cựu chiến binh ở thôn Nhất Sơn tham gia góp ý tại hội nghị phản biện xã hội dự án Hồ Suối Cái do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức. Ảnh: THÚY HẰNG |
Phát huy tiềm năng vùng đất
Dự án Hồ Suối Cái sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ tạo nguồn nước ổn định để phát triển nông nghiệp, sinh hoạt cũng như phát triển công nghiệp, dịch vụ của địa phương. Trên cơ sở khảo sát thực tế, đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi đã phân tích và dự báo hiệu quả kinh tế – xã hội rất khả quan; diện tích các cây lúa, rau màu, mía, sắn sau khi dự án đưa vào hoạt động và có hệ thống tưới sẽ gia tăng từ 232ha lên 1.025ha. Cụ thể, diện tích lúa hè thu gia tăng từ 7ha lên 18ha, diện tích rau màu từ 30ha lên 100ha, diện tích mía từ 100ha lên 400ha, diện tích sắn từ 50ha lên 225ha. Qua đó đem lại tổng thu nhập dự kiến sau khi có dự án gần 60,9 tỉ đồng, chênh lệch hơn 56,8 tỉ đồng so với trước khi chưa có dự án. Ngoài ra, dự án Hồ Suối Cái được vận hành và đưa vào sử dụng sẽ tạo nguồn cấp nước ổn định phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân. Cụ thể, dự án sẽ cấp nước sinh hoạt ở mức 0,46 triệu m3/năm, cấp nước môi trường ở mức 1,27 triệu m3/năm với tổng thu nhập sau khi có dự án gần 58,4 tỉ đồng.
Hồ Suối Cái còn làm tăng mỹ quan, nâng cao điều kiện sống và sản xuất của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án và nhân dân được hưởng lợi từ dự án. Tạo ra một tiểu vùng sinh thái, khí hậu ổn định và bền vững, sử dụng hiệu quả nguồn nước, giảm lũ, thích ứng biến đổi khí hậu toàn cầu. Dự án còn có hiệu quả xã hội và các lĩnh vực khác như: Tạo điều kiện phát triển công nghiệp, dịch vụ địa phương; nâng cao thu nhập của người dân trong vùng hưởng lợi của dự án; cải thiện môi trường sống của người dân, cung cấp nước sạch, cải thiện chế độ dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Hồ Suối Cái với dung tích gần 10 triệu m3 tận dụng hiệu quả nguồn nước đến của suối Cái, điều tiết tốt hơn dòng chảy, giảm lũ, cung cấp nước trong mùa kiệt và đảm bảo dòng chảy môi trường. Bên cạnh đó, hồ còn tạo cảnh quan du lịch và góp phần cải thiện tiểu khí hậu của vùng dự án. Tác động tích cực từ việc xây dựng hồ Suối Cái mang tính dài hạn, vừa phát huy hiệu quả kinh tế – xã hội vừa bảo đảm tính chiến lược về an ninh nguồn nước trong tương lai của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án. Dự án này cũng sẽ góp phần phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
(Theo baophuyen.com.vn)