Những tháng đầu năm, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đạt những kết quả khả quan. Tuy nhiên, việc giải ngân các nguồn vốn vẫn còn nhiều khó khăn, yêu cầu các ngành, địa phương liên quan cần có nhiều nỗ lực hơn trong những tháng cuối năm.
Hoạt động tuyên truyền nâng cao năng lực cộng đồng trong thực hiện các dự án thuộc Chương trình 1719. Ảnh: NGÔ XUÂN |
Quyết liệt triển khai
Theo Ban Dân tộc tỉnh, năm 2024, nguồn ngân sách trung ương phân bổ cho Phú Yên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình 1719) là 341,29 tỉ đồng. Đến hết quý III, các đơn vị, địa phương thụ hưởng chương trình đã giải ngân 44,62 tỉ đồng.
Kết quả, nguồn vốn đầu tư thuộc Chương trình 1719 đã hỗ trợ nhà ở cho 65 hộ DTTS nghèo; đang hỗ trợ xây dựng 59 nhà; hỗ trợ 3 dự án bố trí sắp xếp ổn định dân cư các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi; đầu tư, nâng cấp 187 công trình giao thông, trường học, thủy lợi, văn hóa, thể thao… Các địa phương cũng đang tiếp tục rà soát thiết lập 3 địa điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin tại UBND các xã đặc biệt khó khăn thuộc 2 huyện Sông Hinh và Đồng Xuân.
Đối với nguồn vốn sự nghiệp, các địa phương đã thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 40 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.217 hộ; mở lớp học xóa mù chữ giai đoạn 1 cho 230 người; mở 21 lớp nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ các cấp triển khai thực hiện chương trình cho 1.680 học viên; hỗ trợ thiết bị cho 4 nhà văn hóa thôn; hỗ trợ trang phục truyền thống DTTS cho 5 thôn, buôn…
Theo Phòng Dân tộc huyện Sông Hinh, nguồn vốn Chương tình 1719 phân bổ cho huyện đầu năm 2024 là 101,12 tỉ đồng; tổng vốn thực hiện năm 2024 sau khi điều chỉnh là 103,56 tỉ đồng. Kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư năm 2023 chuyển sang và vốn năm 2024 đạt trên 58%; vốn sự nghiệp đạt khoảng 12%.
Tương tự, tổng vốn phân bổ đầu năm 2024 của huyện Đồng Xuân là 77,88 tỉ đồng; tổng vốn thực hiện năm 2024 sau khi điều chỉnh theo là 79,88 tỉ đồng. Về giải ngân vốn, giai đoạn 2022-2024, huyện Đồng Xuân đã giải ngân được 61% nguồn vốn đầu tư; riêng năm 2024, giải ngân 25,62%.
Ban Dân tộc tỉnh cùng các đơn vị kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án thuộc Chương trình 1719 tại xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa. Ảnh: NGÔ XUÂN |
Còn nhiều vướng mắc
Theo huyện Sông Hinh, nhằm đảm bảo giải ngân hết các nguồn vốn, huyện Sông Hinh đã đề xuất chuyển đổi nguồn vốn theo Nghị quyết 111 của Quốc hội với tổng nguồn vốn điều chỉnh trên 53 tỉ đồng; tập trung cho Dự án 4 và Dự án 6 để đầu tư, sửa chữa cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã được thụ hưởng chương trình. Đến nay, một số đơn vị đã tiến hành lập hồ sơ, tổ chức đấu thầu.
Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là phần lớn nguồn vốn điều chỉnh cho Dự án 4 tập trung đầu tư hạ tầng giao thông ở các xã miền núi đặc biệt khó khăn. Dự kiến, nguồn vốn điều chỉnh sẽ rất khó đạt yêu cầu kế hoạch do có quá nhiều thủ tục, chủ yếu liên quan đến việc đấu thầu các công trình.
Đây cũng là những vướng mắc mà huyện Đồng Xuân đang gặp phải khi nỗ lực giải ngân các nguồn vốn Chương trình 1719. Ông La Văn Hảng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Xuân bày tỏ: Việc thực hiện Nghị quyết 111 đã gỡ khó cho các địa phương rất nhiều trong việc triển khai thực hiện Chương trình 1719.
Tuy nhiên, hiện một số xã đang trong tình trạng quá tải về nguồn vốn; tập trung nhiều nhất là Tiểu dự án 1, Dự án 3. Toàn huyện chỉ có xã Phú Mỡ là triển khai được tiểu dự án này. Phần lớn nguồn vốn đang được tập trung cho Tiểu dự án 1, Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Phú Mỡ thực hiện được hơn 16/20 tỉ đồng. Địa phương đề xuất điều chỉnh nguồn vốn này từ xã này sang xã khác để thực hiện giải ngân hết số vốn được phân bổ.
Huyện Sơn Hòa cũng đang gặp khó khi thực hiện giải ngân các nguồn vốn thuộc Chương trình 1719. Ông Sô Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: Khi Nghị quyết 111 của Quốc hội được triển khai, địa phương rất phấn khởi. HĐND huyện đã họp; các xã đang ráo riết lựa chọn danh mục các dự án thực hiện.
Tuy nhiên, quy trình đấu thầu mất quá nhiều thời gian nên khả năng giải ngân nguồn vốn này rất hạn chế. Bên cạnh đó, đối với Dự án 1, nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 1719 đã giải ngân, nhưng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội chưa có, khiến bà con rất lo lắng.
Đối với Tiểu dự án 2, Dự án 3, Sơn Hòa không thực hiện theo chuỗi giá trị mà thực hiện theo nhóm cộng đồng. Địa phương đã hình thành các tổ, nhóm sản xuất ở các xã; đối tượng, mô hình đều đã có, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về các biểu mẫu theo thông tư mới nên chưa triển khai được…
Đẩy nhanh tiến độ
Tại buổi làm việc với các địa phương về tiến độ giải ngân Chương trình 1719, Ban Dân tộc tỉnh đề nghị các địa phương nỗ lực phấn đấu đến cuối năm 2024 phải thực hiện giải ngân tối thiểu 90% nguồn vốn được phân bổ.
Theo đó, cấp huyện, xã tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn; tăng cường phối hợp, chú trọng tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Các ngành, địa phương liên quan cần tổ chức phân công, phân nhiệm rõ từ tỉnh đến cơ sở; đảm bảo không chồng chéo, không đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình thực hiện; đẩy mạnh tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực xã hội, đặc biệt có sự tham gia trực tiếp của người dân vào các hợp phần của chương trình trực tiếp hưởng lợi.
Ông Ksor Y Phun, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết: Hiện các xã đang gánh áp lực rất lớn do có quá nhiều chương trình, dự án cùng lúc triển khai, đều yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Đến cuối năm, nguồn vốn giải ngân có thể đạt trên 90%. UBND huyện yêu cầu các phòng, ban liên quan thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, nhắc nhở các xã triển khai đảm bảo các quy định. Các xã cần tranh thủ thời gian, nỗ lực giải ngân nhanh, nhưng phải đảm bảo đúng các trình tự, thủ tục cần thiết. Những xã không thực hiện đạt thì phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện.
Những tháng cuối năm, Ban Dân tộc tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan có giao chỉ tiêu vốn cũng cần khẩn trương thực hiện theo thẩm quyền, trách nhiệm; xây dựng, hoàn chỉnh các văn bản pháp quy, quy trình thủ tục trong quá trình phối hợp tổ chức thực hiện các dự án có sự phối hợp giữa các ngành, địa phương.
Các địa phương cần nâng cao năng lực cộng đồng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cao trách nhiệm của người dân, cơ sở trong việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án; thường xuyên soát xét lại những chương trình, dự án đã triển khai; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án còn vướng mắc.
Ông Trương Văn Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Ban Dân tộc đã xây dựng nội dung một số mô hình cụ thể thực hiện chuỗi giá trị để các địa phương lựa chọn, thực hiện; đồng thời yêu cầu các phòng chuyên môn thường xuyên theo dõi, động viên, hướng dẫn các địa phương thực hiện các dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Các ngành, địa phương liên quan cần tập trung quyết liệt hơn nữa trong việc giải ngân các nguồn vốn; phát sinh vướng mắc đến đâu thì cùng nhau giải quyết đến đấy.
Quá trình giải ngân nguồn vốn Chương trình 1719 cần rà soát đúng đối tượng thụ hưởng; đảm bảo các nguyên tắc làm đúng, làm trúng, hiệu quả và kịp thời; phấn đấu đến cuối năm 2024 phải thực hiện giải ngân tối thiểu 90% nguồn vốn được phân bổ.
Quá trình giải ngân nguồn vốn Chương trình 1719 cần rà soát đúng đối tượng thụ hưởng; đảm bảo các nguyên tắc làm đúng, làm trúng, hiệu quả và kịp thời; phấn đấu đến cuối năm 2024 phải thực hiện giải ngân tối thiểu 90% nguồn vốn được phân bổ.
Ông Trương Văn Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh |
(Theo baophuyen.vn)