“Ơ, cái gió Tuy Hòa, chuyên cần và phóng túng”

Con người Phú Yên cũng như cái gió nơi đây, phóng túng, đôi khi có chút ngang tàng nhưng cần cù và chịu khó, khí phách và nghĩa tình

Trong những ngày này, những ngày Phú Yên trọng thể tổ chức kỷ niệm 410 năm hình thành và phát triển, 46 năm giải phóng, không hiểu sao tôi lại nhớ đến những vần thơ trong bài “Nhớ máu” của nhà thơ Trần Mai Ninh.

“Ơ, cái gió Tuy Hòa,

Cái gió chuyên cần và phóng túng”

Tôi nghĩ về những câu thơ ấy, phải chăng bởi đấy đúng là cái gió Phú Yên rồi – “Gió đi ngang, đi dọc” đôi khi có chút ngang tàng nhưng rồi “Gió nghỉ”; đúng con người Phú Yên rồi – “Chuyên cần và phóng túng”, dẫu có lắm bể dâu thì vẫn “cười” và “reo lên lồng lộng”.

Hơn 400 năm trước, năm 1597, những lưu dân người Việt đầu tiên từ vùng Thanh – Nghệ – Thuận – Quảng theo Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh vào khai khẩn, mở mang vùng đất trấn biên từ đèo Cù Mông đến đèo Cả, sinh cơ lập nghiệp. Ngay từ buổi đầu, họ đã nhanh chóng hòa nhập với các cư dân bản địa, đoàn kết, đồng tâm hiệp sức, giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống và đối phó với thiên tai, thú dữ. Họ đã cùng nhau khai khẩn đất đai, quy dân lập ấp. Những tụ điểm dân cư được hình thành theo các thung lũng, triền núi thấp, vùng châu thổ sông Cái, sông Đà Rằng, sông Bàn Thạch cho đến vùng cao nguyên phía Tây.

Ơ, cái gió Tuy Hòa, chuyên cần và phóng túng - Ảnh 1.

Chung tay dọn dẹp sau lũ dữ ở Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên)

Để chống chọi với thiên tai hạn hán, lũ lụt, nhân dân các dân tộc đã cùng nhau làm hồ, đắp đập, đào mương dẫn nước, khai thác các điều kiện tự nhiên để phát triển thành một vùng nông nghiệp trù phú. Từ những ngày đầu mở đất ấy đến các cuộc kháng chiến giữ nước, các thế hệ người Việt, Chăm, Ê đê, Ba Na và cả người Hoa sinh sống trên vùng đất Phú Yên đã cùng chung lưng đấu cật, chia vui sẻ buồn, sát cánh bên nhau. Quá trình cộng cư đó, đã tạo sự giao thoa văn hóa giữa các tộc người anh em, hình thành nét tính cách của con người Phú Yên: Cần cù, nghĩa tình, sẻ chia, khí phách, tự lực tự cường, không chịu khuất phục kẻ thù dù mạnh đến đâu.

Cái khí phách ấy đã hun đúc nên chí sĩ Lê Thành Phương trong phong trào Cần Vương, trước khi lên đoạn đầu đài vẫn hô to “Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục” (Thà chết chứ không chịu sống nhục), hun đúc nên người mẹ Hòa Đồng tay không vẫn lao ra đường chặn cả xe tăng địch. Cái nghĩa tình, sẻ chia ấy trắng trong như hạt gạo Tuy Hòa. “Hạt trắng, hạt trong, hạt cõng qua dốc Mỏ; hạt đen, hạt đỏ, hạt để lại nuôi con”.

Hơn 400 năm qua, cái gió Phú Yên vẫn vậy, vẫn thổi rát mặt mùa Nam nhưng lại như tắm mát mùa Nồm. Và con người Phú Yên vẫn vậy, vẫn chịu thương chịu khó, chia ngọt sẻ bùi, có thể thiếu thốn về vật chất mà giàu về nhân nghĩa, thủy chung nhưng “khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”, ngẩng cao đầu thà chết, không chịu sống nhục.

nld.com.vn

Đọc tiếp các Bài viết

Bài tiếp theo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Bài viết mới nhất