Mía đường là ngành hàng quan trọng, tác động rất lớn đến phát triển KT-XH của đất nước. Niên vụ 2023-2024, tổng diện tích trồng mía của cả nước trên 174.000ha, năng suất mía bình quân toàn quốc là 67,7 tấn/ha.
Nông dân huyện Sơn Hòa được hướng dẫn phương pháp thu hoạch mía tại ruộng. Ảnh: KHANG ANH |
Vượt khó khăn, tăng năng suất
Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong niên vụ 2023-2024, ngành Mía đường Việt Nam đối mặt với nhiều vấn đề; trong đó có sự suy giảm của giá đường thế giới. Cụ thể, giá đường thô thế giới đạt mức cao nhất trong tháng 11/2023 với mức 28 USD cent/lb và sau đó giảm liên tục xuống mức 19 USD cent/lb. Ngoài ra, những hành vi gian lận khai báo xuất xứ, bán phá giá mặt hàng đường vào thị trường Việt Nam của các nước, sự bùng nổ nhập khẩu đường lỏng siro ngô HFCS vào nước ta với mức cao (năm 2023 là 231.000 tấn), cùng nhiều hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu đã được các cơ quan chức năng phát hiện tại hầu như tất cả tỉnh, thành trên cả nước… khiến thị trường đường luôn trong tình trạng thừa cung, đường sản xuất từ mía khó tiêu thụ, đe dọa sự tồn tại của chuỗi liên kết mía – đường.
Dù khó khăn, song ngành Mía đường Việt Nam cũng đã hoàn thành vụ ép mía 2023-2024 trong tháng 6/2024 với sản lượng mía ép đạt trên 11,2 triệu tấn, sản xuất trên 1,1 triệu tấn đường các loại. So với vụ ép 2022-2023, sản lượng mía ép trong vụ này tăng 117,9%, sản lượng đường tăng 118,4%; so với vụ ép 2020-2021, sản lượng mía ép tăng 166%, sản lượng đường tăng 161%. Số liệu này cho thấy, kể từ khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (từ năm 2021), ngành Mía đường nước ta ghi nhận sự hồi sinh, tăng trưởng đáng kể, với giá mua mía của nông dân liên tục được nâng lên và đạt mức 1,2-1,3 triệu đồng/tấn mía, năng suất đường cũng đạt mức tăng trưởng cao với mốc 6,79 tấn đường/ha, đưa ngành Mía đường Việt Nam lên vị trí số 1 về năng suất đường trong khu vực Đông Nam Á.
Tại Phú Yên, niên vụ 2023-2024 vừa qua, diện tích trồng mía toàn tỉnh là 26.192ha, năng suất mía thu hoạch đạt 65,63 tấn/ha, sản lượng trên 1,8 triệu tấn. Giá thu mua mía nguyên liệu tại ruộng của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam và Công ty CP Mía đường Tuy Hòa khoảng 1,33 triệu đồng/tấn đối với mía có chữ đường 10CCS. Các doanh nghiệp cũng thực hiện chính sách đầu tư cho nông dân trồng mía trong vùng nguyên liệu như hỗ trợ tu sửa, nâng cấp các tuyến giao thông nội đồng; hỗ trợ cước vận chuyển mía giống, mía nguyên liệu để nhập về nhà máy; hỗ trợ không hoàn lại khâu làm đất để trồng mới, trồng lại; đầu tư về giống, phân bón, mua máy bơm, thuốc trừ cỏ không tính lãi; hỗ trợ tiền cày đất, công chăm sóc. Đồng thời tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm mía cho nông dân; hỗ trợ triển khai chương trình cơ giới hóa khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch mía…
Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Hiện Phú Yên có 18 công trình thủy lợi đưa vào sử dụng có khả năng tưới cho khoảng 3.581ha mía, chiếm khoảng 15% diện tích mía toàn tỉnh. Trong đó, vùng nguyên liệu của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam 8 công trình; vùng nguyên liệu của Công ty CP Mía đường Tuy Hòa 10 công trình. Các doanh nghiệp cũng đầu tư không tính lãi để đào các hồ nhỏ, giếng khoan, hỗ trợ mua máy bơm cho những nông dân có điều kiện tưới nước bổ sung cho mía trong những giai đoạn cần thiết chống hạn, góp phần tăng năng suất mía đạt từ 80 tấn/ha trở lên, nhất là những vùng đất thường xuyên xảy ra hạn hán kéo dài.
Công nhân Công ty CP Mía đường Tuy Hòa (huyện Tây Hòa) vận chuyển, sắp xếp đường thành phẩm tại nhà máy. Ảnh: KHANG ANH |
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Niên vụ 2024-2025 dự báo sẽ tiếp tục đưa ra nhiều thách thức đối với ngành đường trong nước khi phải đối phó với hiện tượng La Nina dự kiến bắt đầu có tác động trong niên vụ, giá vật tư nông nghiệp tăng, tình hình đường nhập lậu, gian lận thương mại đường nhập lậu, tình hình lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và thị trường đường bị thu hẹp do sự gia tăng nhập khẩu đường lỏng sirô ngô HFCS. Niên vụ 2024-2025, dự kiến cả nước có 25 nhà máy đường hoạt động, bằng số nhà máy hoạt động trong vụ 2023-2024, với tổng công suất thiết kế 124.000 tấn mía/ngày. Theo kế hoạch, trong niên vụ 2024-2025, diện tích mía thu hoạch tăng 107%, sản lượng mía chế biến tăng 105%, sản lượng đường tăng 105%.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho hay: Với những thách thức như giá đường quốc tế có nguy cơ tiếp tục giảm trong thời gian tới, thị trường đường còn nhiều rủi ro, bất ổn, xu hướng tiêu dùng của người dân cũng thay đổi, tình trạng đường nhập lậu vẫn xảy ra…, ngành Mía đường Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Hiệp hội Mía đường Việt Nam cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng, hợp lý và tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật cũng như định hướng phát triển của Nhà nước. Hiệp hội đã đề xuất, kiến nghị các đơn vị liên quan tiếp tục củng cố chuỗi liên kết sản xuất mía đường, xây dựng thị trường lành mạnh, phòng chống hành vi gian lận thương mại đường, siết chặt quản lý truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường và có giải pháp ổn định vùng nguyên liệu mía.
Là nhà máy đường có quy mô lớn với sản lượng đường chế biến hằng năm khoảng 250.000 tấn, hiện nay, Nhà máy đường An Khê (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) đã xây dựng hệ thống chế biến đường kính trắng với công suất 18.000 tấn mía/ngày, dây chuyền sản xuất đường tinh luyện với công suất 1.000 tấn đường/ngày và xây dựng Nhà máy điện sinh khối An Khê với công suất 95MW phát lên hệ thống lưới điện quốc gia.
Theo ông Đặng Phú Quý, Phó Tổng giám đốc công ty, để cạnh tranh được với các nước trong khu vực, công ty đã đầu tư xây dựng Xí nghiệp cơ giới hóa nông nghiệp An Khê, Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng giống mía Gia Lai, 8 hệ thống máy thu hoạch mía hiện đại, 230 máy kéo các loại đáp ứng nhu cầu phát triển vùng nguyên liệu mía An Khê cùng với trên 700 thiết bị, máy nông nghiệp phục vụ công tác phát triển toàn vùng nguyên liệu mía của An Khê. “Công ty còn có kế hoạch mở rộng, nâng công suất nhà máy và ngoài các sản phẩm đường kính trắng, đường tinh luyện, đường vàng có mặt trên thị trường hiện nay, nhà máy cũng sẽ đầu tư sản xuất, cho ra sản phẩm đường lỏng hoàn toàn mới trong thời gian tới”, ông Đặng Phú Quý cho biết.
Ông Thái Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Tuy Hòa chia sẻ: Những niên vụ vừa qua, công ty thu mua mía với giá tốt, cộng với các chính sách hỗ trợ nên nông dân có điều kiện phục hồi sản xuất. Công ty tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vùng nguyên liệu và hoạt động canh tác mía của nông dân; đầu tư, nâng cấp thiết bị, công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng đường… trong niên vụ mới 2024-2025. Chúng tôi mong muốn, các bộ, ngành, địa phương có biện pháp kiểm soát thị trường đường, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại đường nhập lậu…, tạo công bằng, lành mạnh cho các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước phát triển.
Các ngành chức năng của Phú Yên cần tiếp tục nỗ lực để xây dựng, triển khai chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn hay chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Thường xuyên khảo nghiệm, du nhập và tuyển chọn các giống mía mới; thực hiện những mô hình trình diễn đầu tư thâm canh mía kết hợp cơ giới hóa khâu làm đất, trồng, bón phân, thu hoạch, tưới nước tiết kiệm… làm cơ sở để nhân rộng, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất mía đường tại địa phương. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đặng Thị Thủy |
(Theo baophuyen.vn)