Sáng 4/5, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị. Báo Điện tử Dân tộc và Phát triển trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
Kính thưa Trung ương,
Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị,
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, hôm nay Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bắt đầu họp Hội nghị lần thứ năm để thảo luận, cho ý kiến và quyết định về các nội dung: (1) Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. (2) Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. (3) Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. (4) Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. (5) Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (6) Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021 và một số vấn đề quan trọng khác.
Trước hết, tôi xin được thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và với tình cảm cá nhân, nhiệt liệt chào mừng các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các vị đại biểu khách mời đã về dự Hội nghị và xin gửi tới các đồng chí lời thăm hỏi chân tình và lời chúc tốt đẹp nhất.
Thưa các đồng chí,
Để chuẩn bị choHội nghị Trung ươnglần này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã sớm thành lập các ban chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết, xây dựng các báo cáo, đề án về những nội dung nêu trên để báo cáo Bộ Chính trị thảo luận, cho ý kiến và trình Trung ương xem xét, quyết định. Các ban chỉ đạo đã bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như tình hình thực tiễn của đất nước, khu vực và thế giới để tiến hành tổng kết, nghiên cứu, xây dựng các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo các nghị quyết trình Trung ương. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã nghiêm túc kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021 gắn với thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị để xây dựng các báo cáo trình Hội nghị Trung ương lần này.
Theo Quy chế làm việc, Văn phòng Trung ương Đảng đã gửi các tài liệu để các đồng chí nghiên cứu trước. Sau đây, tôi xin phát biểu lưu ý thêm một số vấn đề liên quan đến nội dung của các báo cáo, đề án, có tính chất gợi mở, mong được các đồng chí quan tâm trong quá trình thảo luận, xem xét, quyết định.
1. Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóaXI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai
Chúng ta đều đã biết, đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tôi đã nhiều lần nhắc lại câu nói của Các Mác rằng: “Lao động là cha, đất đai là mẹ của của cải vật chất”; nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em vì đất… Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai. Vì vậy, việc tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về đất đai lần này là một yêu cầu cần thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đây là một lĩnh vực rất rộng lớn, cơ bản, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng, hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước, hiện vẫn còn không ít ý kiến khác nhau. Khi thảo luận, đánh giá tình hình và nguyên nhân, chúng ta cần nắm vững phương pháp duy vật biện chứng, các quan điểm và nguyên tắc cơ bản đã được xác định trong Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp của Nhà nước để phân tích một cách toàn diện, khách quan kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI và pháp luật về đất đai; chỉ rõ nội dung của Nghị quyết đã được thể chế hóa như thế nào? Những điểm gì thể chế hóa đúng, điểm gì chưa đúng? Những quan điểm, yêu cầu quan trọng nào của Nghị quyết chưa được thể chế hóa hoặc chưa được thực hiện một cách nghiêm túc? Tình hình thực hiện trong thực tế như thế nào? Những chủ trương, chính sách gì cần bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh?…
Đồng thời với việc khẳng định những chuyển biến tích cực và những kết quả nổi bật đã đạt được trong gần 10 năm qua, cũng cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân. Tập trung làm rõ: Vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội? Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng? Vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp? Vì sao thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro?… Đâu là nguyên nhân thuộc về quan điểm, chủ trương, chính sách nêu trong Nghị quyết và bất cập của Luật Đất đai năm 2013? Đâu là do các quy định dưới luật còn bất cập; có quá nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn? Và đâu là do việc tổ chức thực hiện yếu kém của các cơ quan quản lý nhà nước; do nhận thức chưa đầy đủ và ý thức chấp hành luật pháp chưa nghiêm?…
Trên cơ sở đó, đề xuất các chủ trương, định hướng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai; chú ý các vấn đề hiện đang vướng mắc hoặc gây bức xúc trong xã hội và những nội dung còn có ý kiến khác nhau. Chẳng hạn như: Nhận thức như thế nào cho thật đầy đủ, đúng đắn về sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu; quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước với vị trí, vai trò là đại diện chủ sở hữu, thực hiện chức năng, nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai và khi là chủ thể sử dụng đất. Chủ trương, chính sách về đất đai, nhất là về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về giao đất, cho thuê đất; về hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, thu hồi đất; về tài chính đất đai, xác định giá đất và phát triển thị trường bất động sản; về chế độ quản lý và sử dụng đất nông nghiệp, đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, và đất cho tôn giáo, tín ngưỡng; việc quản lý nhà nước về đất đai… cần tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện như thế nào cho đúng, sát hợp với thực tế và đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới?…
2. Về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóaX về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, thời gian qua, Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã triển khai tổng kết Nghị quyết một cách nghiêm túc, bài bản, công phu, khoa học, có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, với tinh thần trách nhiệm cao của các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; kế thừa kết quả tổng kết các Nghị quyết Trung ương về chính sách, pháp luật đất đai và kinh tế tập thể. Báo cáo tổng kết trình Trung ương tại Hội nghị lần này đã đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, chỉ ra những kết quả, thành tựu to lớn, toàn diện, rất ấn tượng đã đạt được; đồng thời, cũng thẳng thắn nhận diện những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân. Từ đó, đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đổi mới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; và kiến nghị Trung ương xem xét ban hành Nghị quyết mới để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ mới.
Đề nghị các đồng chí tham dự Hội nghị hôm nay tập trung nghiên cứu, thảo luận, tạo sự thống nhất cao về tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời kỳ mới-đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục phát huy thật tốt những kết quả, thành tựu và bài học kinh nghiệm thành công đã đạt được; khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân được rút ra trong quá trình tổng kết là: Nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết trong sản xuất kinh doanh; kinh tế tập thể, hợp tác xã chậm phát triển. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển. Nhiều loại giống cây trồng, giống vật nuôi, vật tư đầu vào còn phụ thuộc việc nhập khẩu. Thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn. Cơ giới hóa chưa đồng bộ, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến nông sản phát triển còn chậm. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn chưa đạt yêu cầu. Lao động nông thôn có xu hướng già hóa, năng suất lao động còn thấp. Thu nhập của phần lớn nông dân chưa cao, chênh lệch với thành thị và giữa các vùng, miền còn lớn; tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn còn nhiều, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, nhiều nơi chưa chú trọng đúng mức tới phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người dân; xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường; mức đạt tiêu chí nông thôn mới ở những vùng khó khăn còn thấp; nhiều vấn đề xã hội phát sinh, gây bức xúc trong nhân dân; ô nhiễm môi trường nông thôn gia tăng ở nhiều địa phương. Năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu còn yếu; phòng chống thiên tai, dịch bệnh chưa đáp ứng yêu cầu.
3. Về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóaIX tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và các Nghị quyết Đại hội Đảng đều khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể; xác định phát triển kinh tế tập thể cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Để đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục những hạn chế, yếu kém của mô hình hợp tác xã kiểu cũ, ngày 18/3/2002, Hội nghị Trung ương 5 khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Báo cáo tổng kết 20 năm (2002-2022) thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX đã được xây dựng công phu, nghiêm túc trên cơ sở Báo cáo tổng kết, báo cáo chuyên đề của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 63 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; kết quả nghiên cứu, khảo sát của Ban Chỉ đạo tại một số địa phương; ý kiến tham gia tại 12 cuộc hội thảo chuyên gia, 3 Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết, và Báo cáo tư vấn của Hội đồng Lý luận Trung ương.
Qua tổng kết cho thấy, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, khu vực kinh tế tập thể nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã được nâng lên. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách được quan tâm xây dựng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Hợp tác xã đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi theo quy định của pháp luật. Số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập mới tăng đáng kể; nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ, hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế thành viên, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho người lao đ